BỘ Y TẾ VÀO CUỘC VỤ "THÁNH CÔ" CHỮA UNG THƯ
![]() |
Hình ảnh hàng trăm người lột quần áo nằm chờ bà Phú “chữa bệnh”. |
Ngày 15/9, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên phải khẩn trương vào cuộc, xác minh việc hành nghề của bà Phạm Thị Phú để trả lời dư luận.
Được biết 'Thánh cô', 'Bồ tát giáng thế' ở Sông Công, Thái Nguyên tên là Phạm Thị Phú, khoảng 40 tuổi. Trước đây bà từng buôn cá và nước mắm cùng thâm niên nhiều năm làm mát xa, tẩm quất.
Cơ sở tẩm quất, xoa bóp Ban Mai tọa lạc trên nửa quả đồi được san gạt để tạo mặt bằng. Nửa phía sau vẫn xanh um những cây đồi như keo, mỡ. Đây là cơ sở mở rộng của chủ nhân từ 2012. Trước đó, “phòng khám” của "cô Phú" đặt ở tổ 12, phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công. Do chật chội và số lượng người đến quá lớn, chủ cơ sở phải tìm địa điểm rộng lớn hơn.
Từ "Phú cá" đến người "nổi tiếng"
Theo tìm hiểu, người phụ nữ được phong "thánh cô" chữa bệnh sinh năm 1972, lấy chồng ở Mỏ Chè, thành phố Sông Công, có con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Người dân ở Sông Công hay gọi người phụ nữ này là "Phú cá” - biệt hiệu gắn liền với nghề buôn cá và nước mắm trước đây.
Người dân ở Sông Công không ai không biết đến cơ sở của "cô Phú" chữa bệnh.
Và chính quyền cũng không xa lạ. Ông Nguyễn Quý Luân, Phó phòng VHTTDL thành phố Sông Công cho hay, sự nổi tiếng của cơ sở này thậm chí vượt ra ngoài Thái Nguyên, không ít khách hàng đến từ khắp mọi miền cả nước, thậm chí người ở nước ngoài cũng tìm về “nhờ vả”.
Khi được hỏi: cơ sở hoạt động này có vi phạm pháp luật hay không, bởi như tin đồn, chủ cơ sở Phạm Thị Phú đã được “phong thần phong thánh”, được người bệnh “tung hô” như một người siêu phàm…, ông Luân lại khẳng định không có chuyện này.
Năm 2014, đoàn liên ngành của thành phố Sông Công từng đi kiểm tra cơ sở hoạt động của Phạm Thị Phú nhưng cơ sở này xuất trình đầy đủ giấy phép kinh doanh, hoạt động, biên bản kiểm tra định kỳ.
"Góc độ cơ quan quản lý văn hóa, chúng tôi thấy cơ sở này không có đền thờ, bàn thờ, hương khói… như những cơ sở khám chữa bệnh của những “thần y” ở nhiều vùng miền khác mượn thần mượn thánh để hành nghề như báo chí đã phản ánh. Người dân tìm đến, họ cũng không mang theo lễ vật, đồ cúng hay hương khói, cầu khấn gì cả” - ông Luân nói với VietNamNet.
Đến phòng y tế thành phố Sông Công, chị Trần Thị Anh Đào, một cán bộ phòng y tế thẳng thắn, từ hơn hai năm nay, phòng y tế không có vai trò quản lý về chuyên môn đối với cơ sở này nữa, vì giấy phép kinh doanh của cơ sở này không phải là chữa bệnh!
"Họ được cấp phép hoạt động tẩm quất, mát-xa… chứ không phải chữa bệnh"- chị Đào khẳng định. Cán bộ y tế cơ sở này còn cho hay, “họ cũng không bán thuốc đông y hay tây y cho bệnh nhân. Nếu chỉ cần có những hoạt động này, phòng y tế thành phố Sông Công sẽ trực tiếp quản lý, giám sát ngay”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét