Hiện nay, trong dân gian đang rộ lên những tin đồn về tác dụng kì diệu của một cây thuốc, đó là cây lược vàng. Vậy cây lược vàng có tác dụng thật sự như vậy không? Sau đây là một số thông tin về cây lược vàng để các bạn tham khảo:
Trong dân gian cho rằng cây lược vàng trị được nhiều bệnh như: các chứng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thoái hóa đốt sống cổ, viêm đại tràng mạn tính, viêm gan, táo bón, chảy máu dạ dày, tiểu đường, mỡ máu, thấp khớp, chấn thương trầy xước, bầm tím, viêm họng, viêm mũi, viêm thận, đau răng, loét lợi, eczema, sỏi thận, tai biến mạch máu não, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư, đau lưng, bỏng, say rượu...
Cây lược vàng có nguồn gốc ở Mexico, xuất hiện lần đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa vào cuối những năm 90. Năm 2005, cây được giới thiệu phổ biến tại địa phương với nhiều công dụng chữa bệnh. Nay cây lược vàng đã phát triển rộng ra nhiều tỉnh khác, đặc biệt là Hà Nội. Ở chợ cây Hoàng Hoa Thám, người ta háo hức đổ xô đi mua lược vàng với giá cao, có khi đến 40-50.000 đồng một cây. Đã có thời điểm, cây được liệt vào loại hàng bán chạy, cung không đủ cầu.
Dạng dùng thông thường là lấy cây tươi rửa sạch, nhai với ít muối, nuốt nước (mỗi lần 2-3 lá) hoặc cắt nhỏ, ngâm rượu, uống (mỗi lần 1/3 chén con). Ngày dùng 3 lần. Dùng ngoài, giã đắp hoặc xoa bóp bằng rượu ngâm lá.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dân (Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Thanh Hóa): chúng tôi đã tiến hành khảo sát hàng trăm trường hợp và báo cáo tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về kết quả trồng và sử dụng cây Lược vàng trong chữa bệnh” được tổ chức tại Thanh Hóa ngày 16-4-2008. Cây Lược vàng được đánh giá là cây thuốc quý, có tác dụng chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Trong thời gian qua, trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp gửi tặng cho các đơn vị, tổ chức y tế tỉnh bạn hàng ngàn cây Lược vàng làm giống và bào chế sử dụng.
Cây Lược vàng có thể sử dụng toàn bộ thân, lá, rễ làm thuốc. Việc chế biến và sử dụng cây Lược vàng có thể tiến hành như sau: rửa sạch Lược vàng tươi, dùng nhai, nuốt hoặc hấp cơm ăn từ 3 đến 9 lá mỗi ngày. Dùng thân cây tươi thái mỏng, ngâm rượu, sau chừng 1 tháng rượu sẽ đổi sang màu đỏ như rượu vang là dùng được.
Mỗi ngày nên uống 3 chén nhỏ trước mỗi bữa ăn chừng 30 phút. Lá và thân cũng có thể phơi khô, pha uống thay chè. Nhìn chung, việc sử dụng cây Lược vàng được chế biến theo 2 dạng sản phẩm: dạng dùng uống bên trong là si-ro, rượu Lược vàng nhằm điều trị các bệnh viêm nội tạng, tiểu đường, ung bướu và các di chứng của bệnh tim mạch... và dạng xoa bóp bên ngoài bằng rượu Lược vàng chữa các bệnh về răng miệng, viêm họng, xoa bóp chữa các vết thương bị tụ máu, chữa đau lưng, nhức gân xương, thoái hóa khớp, có tác dụng tốt với một số bệnh nhân ung thư....
Theo kinh nghiệm, cây Lược vàng có tính mát, không độc, có khả năng hạ huyết áp. Do đó, khi sử dụng theo dạng uống như ngâm rượu, làm si-rô thì không nên uống với liều lượng quá nhiều, đề phòng tụt huyết áp.
Ông Phạm Minh Chính, Chủ tịch hội Đông y Thanh Hoá, tò mò trước thông tin chữa bệnh nên đã tìm và xin về trồng. Ông thử nghiệm về tính độc hại của Lược vàng, dùng 1 – 2 nhai nuốt nhưng không có cảm giác gì lạ: không đắng, không chua, không ngọt, không mặn. Nhai 4-5 lá trong ngày cũng không thấy ảnh hưởng gì. Qua theo dõi và tìm hiểu về tác dụng chữa bệnh thì thấy tác dụng cầm máu và giảm đau là rõ rệt nhất.
Riêng ông cũng bị đau quanh khớp vai từ nhiều năm, vận động đi lại khó khăn. Sau khi uống rượu Lược vàng cảm giác đau biến mất, các động tác giơ tay lên cao và giang tay dễ dàng hơn nhiều. Trường hợp chảy máu chân răng, sâu răng có tác dụng khá hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhai nuốt lá Lược vàng cũng chữa được viêm mũi dị ứng, viêm họng, khỏi chảy máu chân răng, dứt cơn đau và chắc răng trở lại.